Generic selectors
Exact matches only
Search in title
Search in content
Search in posts
Search in pages
Tập đoàn FLC thắng kiện báo điện tử Giáo dục Việt Nam
19:13 30/09/19
Trở lại danh sách tin tức

Ngày 30/9/2019, Tòa án Nhân dân Quận Cầu Giấy (Hà Nội) đã tuyên án sơ thẩm Tập đoàn FLC thắng kiện báo điện tử Giáo dục Việt Nam, trong vụ kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại do báo đăng tin không chính xác, gây thiệt hại nặng nề đến uy tín và hoạt động của doanh nghiệp.

Theo nội dung vụ việc, ngày 1/10/2018, báo điện tử Giáo dục Việt Nam đăng tải bài viết “Doanh nghiệp tố FLC chây ì, nợ hàng trăm tỉ đồng”, phản ánh việc FLC nợ Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng Hòa Bình (HBC) 213 tỉ đồng.

Ngay sau đó, Tập đoàn FLC đã khởi kiện Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam do đã đưa tin sai sự thật, xâm phạm đến uy tín, danh dự của doanh nghiệp, khiến đối tác và thị trường đánh giá, nhìn nhận không đúng về tập đoàn, gây thiệt hại không nhỏ đến hoạt động kinh doanh.

Không có căn cứ việc FLC “chây ì” nợ HBC

Hội đồng xét xử nhận định, mặc dù vụ kiện chỉ diễn ra giữa FLC và báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nhưng cốt lõi của vụ việc cần được xem xét từ hai hợp đồng số 57/2014 HĐTC/FLC-HBC (Hợp đồng 57) và hợp đồng số 18/2014 HĐTC/FLC-HBC (Hợp đồng 18) giữa FLC và HBC.

Theo đó, năm 2014, FLC đã thuê HBC làm nhà thầu cho một số hạng mục của dự án FLC Sầm Sơn. Tuy nhiên, theo các tài liệu và căn cứ xét hỏi được trình bày tại toà, thì dù công trình đã kết thúc và đưa vào vận hành từ 2015, nhưng đến giữa 2019, quá trình giải quyết công nợ hai bên vẫn không có kết quả. Chưa có bất cứ căn cứ gì để khẳng định số nợ của FLC, do hai bên chưa thống nhất được các vấn đề về nghiệm thu, khối lượng, đơn giá, thưởng, phạt tiến độ… đối với các hợp đồng này.

Cho rằng các hợp đồng kinh tế đều có thỏa thuận về trình tự, thủ tục giải quyết tranh chấp bằng toà án, trọng tài kinh tế theo quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử nhận định: việc giải quyết công nợ giữa HBC và FLC cần đi theo đúng quy trình khởi kiện tại toà án và để toà án giải quyết tranh chấp, thay vì gửi đơn từ đến các cơ quan, tổ chức không có thẩm quyền khác.

Tuy nhiên, thông tin từ FLC và HBC cho biết, đến nay chưa có bất kỳ bên nào yêu cầu cơ quan tài phán giải quyết tranh chấp liên quan đến việc thực hiện các hợp đồng và yêu cầu thanh toán. .

“ Việc gửi đơn từ của HBC đến các cơ quan báo chí là không tuân thủ đúng quy định về giải quyết tranh chấp trong hợp đồng hai bên đã ký”, Hội đồng xét xử nhận định.

“Đăng tin không xác minh là hành vi vô cảm, trái pháp luật”

Nhận định về vụ kiện, luật sư Nguyễn Danh Huế, một trong các luật sư bảo vệ cho FLC nói, báo Giáo dục Việt Nam tuy nhiều lần viện dẫn quyền tự do ngôn luận, nhưng chúng ta hiểu tự do ngôn luận phải nằm trong khuôn khổ, không được sai sự thật và xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của các cá nhân, tổ chức khác.

Trong trường hợp này, luật sư nhấn mạnh, báo Giáo dục Việt Nam tiếp cận tài liệu một chiều nhưng không xác minh đầy đủ mà cho đăng tải ngay là hành vi vô cảm, trái pháp luật, ảnh hưởng đến một doanh nghiệp với hàng ngàn lao động.

Cũng theo ông Huế, việc doanh nghiệp khởi kiện báo chí có thể xem là một cách hành xử văn minh, thượng tôn pháp luật.

Quan điểm này được chia sẻ bởi nhiều doanh nghiệp, như Tổng Giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên từng đề cập tháng 4 năm nay, khi xác nhận với báo chí sẽ khởi kiện báo Giáo dục Việt Nam cũng liên quan đến vấn đề đăng tin thất thiệt.

Khởi kiện ra tòa là cách làm văn minh trong xu thế phát triển bền vững hiện nay mà doanh nghiệp nên làm, để làm trong sạch môi trường đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đồng thời “xử lý thích đáng hành vi truyền thông sai sự thật, gây phương hại cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, cũng như làm hoang mang trong dư luận xã hội”, bà Mai Kiều Liên nói.

Báo Giáo dục Việt Nam phải xin lỗi vì đưa tin sai sự thật

Liên quan đến nội dung bài báo của tác giả Nguyễn Hoàng, Hội đồng xét xử nhận định, xét trên các tài liệu mà báo Giáo dục Việt Nam gửi toà, thì không có gì chứng minh được việc báo đã “liên hệ” với Tập đoàn FLC để xác minh thông tin.

Về vấn đề công nợ, toà xét thấy FLC và HBC vẫn đang trong quá trình thoả thuận thương lượng để đi đến thống nhất, thông qua các công văn trao đổi giữa hai công ty. Thậm chí ngay sau khi báo đăng tin, hai công ty đã có hai lần gặp nhau, nhưng vẫn không thống nhất các nội dung thanh toán.

“Việc báo điện tử Giáo dục Việt Nam chưa xác minh thông tin để làm rõ vấn đề quyết toán các hợp đồng giữa hai công ty, nhưng đã đề cập đến việc FLC “chây ì” nợ là chưa có căn cứ, làm ảnh hưởng đến quan hệ hợp tác và uy tín, cũng như hoạt động của FLC”, Hội đồng xét xử nhấn mạnh.

Mặt khác, ngay sau khi bài báo được đăng tải, qua phản ánh của Tập đoàn FLC, Cục Báo chí cũng đã quyết định xử phạt báo Giáo dục Việt Nam vì hành vi đăng tin không đúng tôn chỉ mục đích.

Như vậy, có đủ căn cứ để nhận định bài viết của báo điện tử Giáo dục Việt Nam là bài viết không đúng theo giấy phép hoạt động, đăng tải khi chưa xác minh tính xác thực của thông tin, và đây là hành vi bị cấm theo Luật Báo Chí.

Từ các cơ sở nêu trên, Tòa án Nhân dân quận Cầu Giấy đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Tập đoàn FLC. Theo đó, toà yêu cầu buộc báo điện tử Giáo dục Việt Nam phải bồi thường 14.900.000 đồng (tương đương 10 tháng lương cơ bản); phải gỡ bỏ ngay tất cả các bài viết đưa thông tin không chính xác; công khai xin lỗi FLC trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đó, đăng tải ít nhất 3 bài báo xin lỗi công khai trên 3 tờ báo trung ương, trong 3 số báo liên tiếp.